Tìm hiểu về mạng viễn thông

Mạng viễn thông, cái tên đã quá phổ biến trên toàn thế giới. Thường thì nếu muốn lắp mạng cho gia đình, bạn bè, hoặc cơ quan, bạn sẽ gọi cho nhà cung cấp mạng, (ISP hay Internet Service Provider) chọn gói dịch vụ tùy theo mục đích cá nhân, và đợi họ đến lắp đặt, thế là xong.

1. Internet là gì?

Khỏi phải văn vẻ dài dòng, định nghĩa của Internet rất đơn giản: Mạng lưới kết nối tất cả các thiết bị với nhau thông qua một hệ thống trung tâm với quy mô toàn cầu.

2. Các thiết bị cơ bản để kết nối đến mạng Internet

Trước khi các bạn muốn có mạng và đầu tư mua trang thiết bị, luôn luôn nhớ rằng nhà cung cấp mạng phù hợp với túi tiền sẽ là ưu tiên hàng đầu. Bạn không nên trọn gói vài triệu chỉ để lướt mạng, đọc báo, Facebook, tại thực sự những tác vụ nhẹ đâu cần tốc độ quá khủng. Ngược lại, chơi game online, download phim, chỉnh sửa ảnh, v.v. mà lại tằn tiện chọn gói vài chục nghìn thì bạn sẽ không bao giờ có trải nghiệm tốt.

Phần này mình sẽ nói về các thiết bị các bạn cần mua sau khi nhà bạn đã có dây mạng lắp vào cột điện chứ không phải là tự làm từ khâu cài đặt dây mạng từ nhà nối lên cột điện tại thứ nhất là cần chuyên môn, đồ nghề, và thứ haiq là rất nguy hiểm.

3. Tìm hiểu về Modem

Đây là thiết bị mà bạn cần lắp đặt trước tiên. Công dụng của nó tưởng chừng rất đơn giản nhưng cũng không mấy ai biết. Vậy thì nhân tiện mình cũng sẽ giải thích luôn.

Chắc nhiều bạn biết rằng cần cắm dây cáp coaxial (dây truyền hình cáp để lắp vào TV) vào Modem và một dây mạng từ modem sang các thiết bị khác thì mới có mạng đúng không?

Tín hiệu truyền hình cáp là tín hiệu Analog, rất là bình thường đối với TV và đài radio. Tuy nhiên các thiết bị điện tử thì dùng tín hiệu Digital, (kỹ thuật số) cho nên nó sẽ không hiểu tín hiệu Analog khi bạn cắm dây TV vào máy tính.

Do vậy, chúng ta cần có người phiên dịch từ tín hiệu Analog sang Digital để máy tính có thể hiểu và xử lý. Từ khái niệm trên, Modem ra đời để đảm trách nhiệm vụ quan trọng này.

Trọn mua modem rất đơn giản, bạn chỉ cần ra ngoài cửa hàng, chọn mua loại modem tùy theo nhu cầu sử dụng của bạn, đôi khi modem đắt tiền hơn thường đi cùng với nhiều tính năng, khả năng truyền tải dữ liệu nhanh hơn,

cũng như tích hợp Wi-Fi (Mình thường không thích modem tích hợp Wi-Fi, đơn giản vì nếu modem mà hỏng thì coi như cả hai hệ thống đều hỏng, trong khi nếu mua mỗi cái riêng thì mình chỉ cần thay modem và giữ lại đầu Wi-Fi để dùng tiếp.)

4. Tìm hiểu về Router

Modem là rất quan trọng, tuy nhiên, có một điều trớ trêu thay phần lớn modem trên thị trường hiện nay chỉ có một cổng mạng duy nhất và thường thì các hộ gia đình cũng cần ít nhất 2-3 cổng trở lên.

Router được dùng như công cụ chia một dây mạng ra nhiều cổng khác nhau. Hơn thế nữa, gần như tất cả các router hiện này đều là wireless router, có nghĩa là tất cả đều có thể phát Wi-Fi, quản lý đường ra và vào của Internet nhà bạn, quản lý chuyên nghiệp, cũng như mở và đóng cổng. Mình sẽ nói thêm ở phần 2 và 3 của bài viết này.

5. Switch là gì ?

Thiết bị này thì thiên về Server hơn. Switch có chức năng khá giống Router nhưng thay vì chỉ có 4-5 cổng như router, một switch trung bình có tầm khoảng 20-30 cổng mạng (Có loại ít hơn dành cho gia đình).

Hơn nữa, đặc điểm để nhận dạng ra đâu là switch và đâu là router là switch to hơn, thường là làm bằng kim loại, và không thể phát Wi-Fi. Do đó, switch rất phù hợp với những văn phòng lớn, server, hay lớp học có hai đến ba chục máy. Mình hiện tại đang sở hữu một cái switch để mở rộng thêm số lượng cổng kết nối của Wi-Fi router.

6. Các phương thức kết nối Internet

Phần này mình sẽ giới thiệu cho các bạn một số hệ thống nối bật nhất trong vòng 20 năm qua, lợi ích cũng như nhược điểm của từng loại.

a. Dial-up

Thế hệ 7x, 8x, 9x chắc hẳn ai cũng từng nhớ mỗi lần kết nối mạng lại là một lần khổ sở. Đối với những bạn chưa biết, đây là một trong những hệ thống mạng phổ thông đầu tiên cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.

Cơ chế hoạt động khá đơn giản, mỗi lần các bạn muốn kết nối đến mạng Internet, việc đầu tiên là cần chuẩn bị một chiếc điện thoại. (hay nói đúng hơn là một chiếc modem) Sau đó, bạn quay số đến nhà cung cấp mạng và đợi họ nhấc máy, lúc đó, hệ thống bắt đầu tạo ra những tiếng “tút tút, tít tít” huyền thoại nghe rất chói tai (Mình đến giờ vẫn ớn mỗi lần nghe lại), đó là lúc bạn có thể bắt đầu dùng Internet.

Do đây thời đại tiền kỹ thuật số, nó có khá nhiều nhược điểm. Thứ nhất là về phần kết nối, do dùng chung đường dây điện thoại của nhà bạn để kết nối Internet, nó cần có một đường truyền ổn định, và mỗi khi chả may mà chuông điện thoại reo và mẹ bạn nhấc lên, ngay lập tức máy bạn sẽ mất kết nối Internet, rất phiền toái.

Nhược điểm thứ hai và cũng là lớn nhất đó là tốc độ. Trung bình, Dial-up có tốc độ truyền tải tầm khoảng 50-60Kbps (8Kb=1KB), rất, rất chậm, tính đơn giản là một bài hát của bạn có dung lượng khoảng 9MB, vậy có nghĩa là để tải xong một bài hát, bạn cần mất tới xấp xỉ 24 phút.

Ưu điểm duy nhất của Dial-up tại thời điểm này là do dùng đường dây điện thoại, đây sẽ là cách khá tốt trong việc cung cấp Internet cho vùng sâu vùng xa, những nơi bà con chưa có điều kiện tiếp cận đến các dịch vụ khác.

b. Digital Subscriber Line (DSL)

Đây là một phiên bản nâng cấp của Dial-up nhưng cũng không được phổ biến do vẫn còn nhiều bất cập. Công nghệ này vẫn dùng dây và cổng điện thoại bàn nhưng cùng với một số trang thiết bị đặc biệt.

Như lúc nãy mình có nói, người dùng Dial-up thường phải quay số mỗi lần cần kết nối đến Internet, tuy nhiên, với DSL, nhà mạng đã dùng các trang thiết bị đặc biệt để tạo nên một đường truyền từ nhà chỗ họ đến nhà bạn 24/7 và đồng thời tăng tốc độ mạng lên một cách đáng kể (Khoảng 768 Kbps – 3 Mbps).

Một điểm yếu mà khiến công nghệ này bị xa lánh rất nhanh đó là sự giới hạn về khoảng cách từ nhà bạn cho đến nhà mạng. (Chỉ tầm khoảng 5-6 KM)

c. Mạng dây

À ha! Đây chính là hệ thống mạng phổ biến “nhất” hiện nay. (mình cho dấu “” vào chữ nhất là tại vì mạng cáp quang đang dần dần thay thế hệ thống này trong thời gian không xa)

Được dùng rộng rãi trong thời kì kỹ thuật số, mạng dây dùng, vâng chắc bạn cũng biết, cổng coxial mà cắm vào TV để truyền tải dữ liệu. Vẫn giữ lại được những ưu điểm vốn có của DSL đó là hệ thống kết nối 24/7, mạng dây không nâng cấp nhiều về phương thức kết nối, mà nó thiên hơn về phần cải thiện tín hiệu và tốc độ đường truyền. Nó có tốc độ truyền tải vào khoảng 1-10 Mbps tải lên và 6-100+ Mbps tải xuống, khá nhanh.

d. Cáp quang (Fiber)

Đây chính là công nghệ truyền tải mạng của “tương lai” thưa các bạn. (Tuy nói là tương lai nhưng công nghệ này bắt đầu được phát triển từ những năm 1970-80?!?!?) Nó có một số đổi mới so với tất cả các công nghệ trước đó.

Thứ nhất là về phần kết nối, như từ “Quang” ám chỉ, thay vì dùng dòng điện để truyền tải dữ liệu, công nghệ này dùng ánh sáng để truyền tải dữ liệu, do đó dữ liệu được truyền tải với tốc độ ánh sáng. (Nghe pro quá!)

Thứ hai, do không phải là điện, công nghệ này gần như miễn nhiễm với tất cả các loại sự cố gây ra bởi điện như đoản mạch hay ảnh hưởng bởi bão từ của mặt trời.

Thứ ba, cũng như mình đã nói ở lúc đầu, tốc độ truyền tải của cáp quang ở mức rất cao. (Nếu bạn biết đến Google Fiber, chắc hẳn bạn cũng biết họ có gói gần 2 triệu VND với tốc độ lên tới 1000 Mbps cả tải lên lẫn tải xuống)

Tuy là có nhiều ưu điểm như vậy, công nghệ này vẫn đang gặp phải rào cản rất lớn, đó là kinh phí thực hiện. Dây cáp quang rất đắt, và có thể bạn chưa biết nhưng có nhiều người vào làm cho các công ty viễn thông lớn đều kiếm được một khoản tiền kha khá mỗi năm chỉ từ việc có ngồi lắp nó.

Có hai loại hệ thống cáp quang hiện nay, đó là: Fiber-to-the-node (FTTN) và Fiber-to-the-premises (FTTP). FTTN là hệ thống được nhiều nhà mạng ở Việt Nam cũng như trên thế giới dùng. Nó dùng cáp quang để truyền tải dữ liệu từ nhà mạng đến một trung tâm xử lý tại một vùng bất kỳ, rồi từ đó, họ sẽ dùng dây cáp TV bình thường để truyền đến nhà bạn.

Tuy tốc độ không ngon như những gì cáp quang có thể mang lại, hệ thống này vẫn rất phổ biến vì giá thành rẻ hơn và đa số khách hàng vẫn dùng modem có cáp TV. FTTP hay “Cáp quang chính hiệu” là khi nhà mạng (Giàu như Google mới áp dụng) dùng cáp Fiber nối trực tiếp từ nhà mạng đến nhà bạn, với tốc độ truyền tải ở mức chóng mặt.

e. Mạng vệ tinh

Nếu bạn đi máy bay quốc tế, bạn thường được mời dùng Wi-Fi trả tiền trên máy bay. Đây chính là ví dụ điển hình của hệ thống này.

Một chiếc vệ tinh sẽ phát ra tín hiệu từ ngoài vũ trụ vào thẳng chảo thu sóng và từ đó bạn sẽ có Internet.

Ưu điểm duy nhất của hệ thống này là bạn sẽ vào được mạng ở bất cứ nơi nào trên thế giới, kể cả trên núi cao hay trong rừng rậm. Tín hiệu không ổn định, giá thành cao, cũng như độ trễ lớn khiến cho mạng vệ tinh không thực sự được ứng dụng rộng rãi.

6. Một số cổng giao tiếp phổ biến trên Internet

Note: Có một từ mà mình sẽ dung nhiều đó là cổng (Port): Cổng là gì? Cổng là cách sắp xếp thông tin đi lại trên hệ thống Internet toàn cầu một cách tốt hơn và hiệu quả hơn.

Khi bạn gửi yêu cầu tới một trang web để download một file tài liệu, nó sẽ đi qua một cổng đã được máy chủ cài đặt sẵn. Nếu bạn lại chỉ muốn gửi yêu cầu đến máy chủ để truy cập vào trang web của máy chủ đó, bạn sẽ phải đi qua một cổng khác.

Ví dụ: bạn vào trang fshare.com để download, hệ thống sẽ gửi thông tin truy cập qua cổng 443, (Chỉ là ví dụ) còn nếu bạn muốn download một file trên trang đó, nó sẽ truyền tải dữ liệu qua cổng 21.

Do đó, nếu bạn chặn một cổng bất kỳ, không có gì trong hệ thống mạng nhà bạn có thể gửi thông tin đến đó. Ví dụ: nếu bạn chặn cổng 80, cả nhà bạn sẽ không ai có thể truy cập được vào hầu như bất cứ website nào. Thường thì bạn có thể làm điều trên bằng cách dùng Windows Firewall hay từ Router nhà bạn.